ÔNG ĐINH LA THĂNG BỊ PHẠT 13 NĂM TÙ, TRỊNH XUÂN THANH ÁN CHUNG THÂN
Tòa án xác định ông Thăng có vai trò chỉ đạo xuyên suốt tại vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Sáng nay, thứ hai (22/1), sau 14 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Hơn hai tiếng đọc bản án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng án 13 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Cùng bị kết tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) như hai bị cáo trên, tòa tuyên phạt ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN): 7 năm; Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN): 9 năm; Nguyễn Quốc Khánh (cựu phó tổng giám đốc PVN): 9 năm; Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN: 9 năm; Trương Quốc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC): 17 tháng; Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC): 7 năm; Nguyễn Mạnh Tiến (cựu phó tổng giám đốc PVC): 6 năm; Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC): 4 năm 6 tháng; Trần Văn Nguyên (cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN): 30 tháng treo; Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán – kiểm toán PVN): 4 năm 6 tháng; Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm; Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù treo.
Ông Thanh rời tòa sau khi bị tuyên án tù chung thân. Ảnh: Giang Huy
Với tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999), tòa tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân; Vũ Đức Thuận: 15 năm; Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC): 16 năm; Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch): 10 năm; Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC): 10 năm; Nguyễn Thành Quỳnh (cựu giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung – Công ty CP Đà Nẵng): 8 năm; Lê Thị Anh Hoa (cựu giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù treo.
Ba bị cáo được trả tự do ngay tại tòa (nếu không phạm tội ở vụ án khác) gồm: Nguyễn Đức Hưng (cựu trưởng phòng tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch): 3 năm tù treo; Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch): 3 năm tù treo; Lê Xuân Khánh (cựu trưởng Phòng Kinh tế – kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch): 3 năm tù treo.
TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) cùng các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế nhà nước và khi được giao dự án mang tầm quan trọng chiến lược của nhà nước đã lợi dụng vị trí đặc thù để gây sai phạm. Hành vi của các bị cáo làm chậm tiến độ, gây đội vốn hàng ngàn tỷ đồng ở dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, ông Thanh và cấp dưới tại PVC đã chỉ đạo sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại.
Bác nghi ngờ của các luật sư về cách tính thiệt hại, bản án cho rằng thiệt hại 119 tỷ đã được tính chính xác, đúng quy định, theo kết luận giám định tài chính về số tiền lãi tối thiểu trên số tiền 1.115 tỷ đồng sử dụng không đúng mục đích.
Dự án chậm tiến độ 18 tháng, đội vốn hàng triệu USD, máy móc hết thời hạn bảo hành mà dự án chưa hoàn thành còn gây những thiệt hại khác không thể tính được trong quá trình điều tra vụ án. “Cách tính thiệt hại như bản giám định là đã có lợi cho các bị cáo”, bản án nêu.
Tòa cho rằng, PVC không đủ năng lực tài chính và chuyên môn trong các dự án thủy điện tuy nhiên công ty này còn được chỉ định thầu một số dự án xây dựng khác gây thất thoát lớn nên tòa kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Nhận định PVN và PVC còn sai phạm ở một số dự án khác, tòa kiến nghị công an điều tra, xử lý tiếp.
Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường nhiều nhất
Với tội Cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải liên đới bồi thường 60 tỷ đồng (mỗi bị cáo 30 tỷ).
Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận cùng chịu trách nhiệm bồi thường 30 tỷ đồng (mỗi người là 7,5 tỷ). Nguyễn Ngọc Quý, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tiến cùng bồi thường 18 tỷ đồng (mỗi người 6 tỷ đồng). Các bị cáo khác bồi thường số tiền còn lại.
Đối với hành vi tham ô, 10 bị cáo phải bồi thường 13 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Vũng Áng – Quảng Trạch. Trong đó, bị cáo Thanh phải bồi thường bốn tỷ đồng.
Tòa ghi nhận, bị có Thanh đã khắc phục hai tỷ đồng; bị cáo Vũ Đức Thuận bồi thường 800 triệu, Nguyễn Anh Minh hơn 3,6 tỷ đồng…
Ông Đinh La Thăng ‘kéo’ hàng loạt bị cáo phạm tội
Nhận định về tội danh của bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX cho rằng ông này đã khai và thừa nhận vì sức ép tiến độ nên đã có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo. Căn cứ lời khai của các bị cáo khác, người liên quan, hồ sơ vụ án, bản án xác định có đủ căn cứ kết luận ông Thăng đã chỉ định thầu với PVC, chỉ đạo ký hợp đồng 33 trái quy định dù biết rõ không đủ hồ sơ, điều kiện ký. Sau đó, dù biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để cấp tạm ứng nhưng ông Thăng vẫn chỉ đạo tạm ứng 10% cho PVC.
Các dự án PVC được chỉ định thầu khác cũng gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Vai trò chỉ đạo của ông Thăng “xuyên suốt vụ án” từ việc không tuân thủ quy định về quản lý kinh tế của nhà nước, chỉ đạo chỉ định thầu, ký hợp đồng, cấp tạm ứng. Hành vi của ông Thăng dẫn đến sai phạm của hàng loạt các bị cáo khác.
Như VKS, HĐXX nhận định hành vi của ông Thăng “thỏa mãn đầy đủ tội danh điều 165 chứ không phải tội khác như các luật sư bào chữa”.
22 bị cáo nghe tuyên án vào sáng 22/1. Ảnh: TTXVN
Bản án xác định, ông Thanh thừa nhận ký hợp đồng 33 khi hồ sơ chưa đầy đủ, điều này phù hợp với lời khai của nhiều bị cáo khác. Ông Thanh có vai trò quyết định trong việc ký hợp đồng 33 nên việc luật sư cho rằng ông này “mờ nhạt” là không có căn cứ.
Bản án cũng cho thấy nếu không có sự chỉ đạo của ông Thanh thì “không ai ở PVC dám sử dụng tiền sai mục đích”… Trong lúc nghe đọc bản án, bị cáo Thanh lúc cúi thấp đầu, lúc nghiêng sang nhìn về phía góc ngồi của con trai và bố.
HĐXX nhận định có đủ căn cứ kết luận cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện vẫn ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng chuyển đổi chủ đầu tư, sau đó có bút phê đồng ý tạm ứng.
Cựu tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn biết rõ hợp đồng 33 không đủ điều kiện vẫn ký cấp tiền tạm ứng cho PVC bằng những công văn hỏa tốc. Bản án dẫn lại những lời khai của các bị cáo khác cho thấy ông Thăng đã chỉ đạo việc cấp tạm ứng.
Tòa án không bị sức ép khi xét xử
Trao đổi với báo giới sau khi tuyên án, là một trong hai thẩm phán tham gia điều hành, ông Trương Việt Toàn cho hay đây là phiên tòa xét xử các bị cáo từng có chức vụ, giữ trọng trách cao trong cơ quan nhà nước vì HĐXX thể hiện tinh thần trách nhiệm đặc biệt. HĐXX làm việc không có ngày nghỉ, làm từ sáng đến tối, làm cả ngày nghỉ.
Theo ông với với nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, HĐXX “không có sức ép gì, chỉ có sức ép về mặt thời gian”.
“Thông qua vụ án này cũng như một số vụ án tham nhũng gần đây, tôi cực kỳ tâm huyết với câu nói của Tổng bí thư rằng: ‘Trong bất kỳ tổ chức hoặc cơ quan đoàn thể nào, yếu tố con người đều mang tính quyết định’. Tôi thấy đúng là xuất phát từ yếu tố con người, đầu tiên là lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo thể hiện sự độc đoán, thiếu phát huy dân chủ cơ sở thì không chỉ họ mắc sai phạm mà cấp dưới dù thấy sai vẫn cứ phải làm”, ông Toàn chia sẻ.
ÔNG ĐINH LA THĂNG BỊ PHẠT 13 NĂM TÙ, TRỊNH XUÂN THANH ÁN CHUNG THÂN
Reviewed by Unknown
on
tháng 1 22, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào: