Người Nam Ô: ‘Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!’
“Dinh, miếu nơi này linh thiêng lắm! Đã ‘cứu nhân độ thế’ cho dân làng mấy trăm năm nay rồi!”, cụ Lê Sự, 80 tuổi đưa tay chỉ về phía lăng Ông, dinh Âm hồn, giếng Chăm, miếu Bà Liễu Hạnh… nằm nép vịnh biển Nam Ô dưới chân Hải Vân, nói
Nam Ô là ngôi làng chài cổ bậc nhất xứ Đàng Trong với biết bao di tích văn hóa, lịch sử thiêng liêng mang tâm thức của những người đầu tiên vượt Ải Vân mở cõi.
Thế nhưng hiện tại, tất cả những di tích hàng trăm năm tuổi của làng biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) này đã bị “nhốt” trong hàng rào sắt đồ sộ, cao vút. Để chuẩn bị phá dỡ, di dời đi nơi khác nhường đất nhường biển cho doanh nghiệp xây resort, khách sạn 5 sao, nhà hành quán bar…, thuộc dự án Lancaster Nam O resort của Công ty CP Trung Thủy đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
Đội nắng trưa ngồi nhặt đống gạch từ ngôi nhà đã bị đập giải tỏa, cụ Lê Sự kể: “Không chỉ làng này, mà các làng khác, hồi xưa mỗi khi có người đau ốm là đội lễ vật đến Dinh Âm hồn để cầu xin. Vì thời xa xưa cả mấy làng chài chỉ có một ông lang thuốc Bắc, làm gì có bác sĩ. Còn lăng Ông nằm kế bên, bà con làng chài chúng tôi bao đời nay ra biển đánh bắt bình an là nhờ Ông Ngư phù trợ. Trong lăng đang thờ hàng chục bộ cốt của Ngư Ông cả trăm năm nay rồi…”.
Lăng Ông làng Nam Ô là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều bộ cốt cá voi nhất các làng biển Việt Nam. Theo tục lệ của ngư dân, cũng như với con người, cá Ông an táng 3 năm sẽ được cải táng, đưa bộ cốt vào lăng để thờ. Phía trước lăng hiện vẫn còn một ngôi mộ cá Ông chưa cải táng.
Cụ Lê Sự: “Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!” |
Phía trước lăng hiện vẫn còn một ngôi mộ cá Ông chưa cải táng |
Chiếc giếng sát bên gành Nam Ô vẫn được sử dụng |
c biệt là mỏm (mũi) Hạc là một ghềnh đá tuyệt đẹp chạy sát mép sóng, trên là dải núi nhô lên với khu rừng xanh mát có những thân cây mấy người ôm. |
Men theo lối mòn tới khoảng giữa khu rừng mũi Hạc còn lưu lại dấu tích một ngôi miếu cổ, nay chỉ còn lại một góc tường. Những bô lão làng Nam Ô gọi đây là miếu Bà, bị bão đánh sập từ hàng trăm năm trước. Nhưng ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, thì đây có thể xác nhận rằng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa. Nơi hơn 700 năm trước bà cùng danh tướng Trần Khắc Chung thoát khỏi thành Đồ Bàn vượt thuyền về lại Thăng Long. Về đến Ải Vân thì gặp gió lớn phải neo lại nhiều ngày. Dân vạn chài Nam Ô đã dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi Đại Việt. Người dân nơi đây từ lâu đã quen thuộc với tên tuổi của bà.
Dấu tích miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa |
Nay thì khu vực này cũng đã thuộc về dự án biệt thự, resort ven biển. Nguy cơ mất đi dấu tích linh thiêng này là khó tránh khỏi.
Người dân Nam Ô bây giờ hỏi bất kỳ ai, đều đáp vanh vách, rằng theo luật bất thành văn của làng từ xa xưa đến nay, đó là không ai được phép ngắt một cành cây, lấy một viên đá nơi đây. Mới đây, có kẻ không biết được ai cấp phép đã mang tàu mang cẩu đến khai thác đá ở ghềnh, lập tức bị cả làng ào ra xua đuổi dữ dội.
Dấu tích miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa |
Nay tất cả những di sản tâm linh, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên mà cha ông bao đời vun đắp, gìn giữ và truyền lại ấy đã xa khỏi tầm tay của họ.
Trần Tuấn/ Tiền Phong
Người Nam Ô: ‘Dinh, miếu ở đây thiêng lắm!’
Reviewed by Unknown
on
tháng 3 27, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào: