CẬP NHẬT LŨ MIỀN TRUNG NGÀY 6/11: ĐÊM NAY, QUẢNG NGÃI LŨ DÂNG TRỞ LẠI, NGẬP SÂU DIỆN RỘNG
Tin khẩn từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, dự báo đêm nay (6/11) đến sáng sớm mai (07/11), lũ trên các sông tiếp tục lên cao.
Tiếp tục cập nhật…
21h
Mưa lớn đã làm cho tuyến quốc lộ 24B và toàn bộ các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng NGãi bị chia cắt hoàn toàn. Đến thời điểm này, toàn huyện có 10 điểm sạt lở tại các xã Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Kỳ và Thị trấn Di Lăng.
Ngay trong chiều tối nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn huyện Sơn Hà đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra và chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khẩn cấp di dời gần 1.000 hộ dân tại các xã Sơn Nham, Sơn Thành và Thị trấn Di Lăng đến nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại do nước lũ dâng cao trở lại.
19h
Quảng Ngãi: Sóng biển đánh sập hàng loạt nhà dân
19 giờ tối nay, thông tin từ UBND xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi cho biết, triều cường mang theo sóng lớn đã gây ra sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Cửa Đại, xã Tịnh Khê, làm sập hàng loạt nhà dân.
Sạt lở đe dọa khu vực cửa Đại
Sóng biển đã gây ra sạt lở với chiều dài khoảng 300m và lấn sâu vào đất liền hơn 200m. Trong đó, thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi bị sạt lở cách khu dân cư 50m, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 hộ/50 khẩu.
Đến 11 giờ cùng ngày, sóng biển đã đánh sập 4 nhà, xói lở 3 ha rừng phòng hộ và làm hư hỏng hệ thống thoát nước tuyến bờ đông sông Kinh – Cửa Đại.
18h20
Quảng Ngãi: Tái diễn lũ lớn
Tin khẩn từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, dự báo đêm nay (6/11) đến sáng sớm mai (07/11), lũ trên các sông tiếp tục lên cao. Mực nước trên các sông có khả năng như sau:
– Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 7.80m, trên mức BĐ3: 1.30m.
– Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 5.70m, trên mức BĐ3: 1.20m, thấp hơn đỉnh lũ năm 1999: 0.29m.
– Sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 4.80m, trên mức BĐ3: 0.30m
– Sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6.00m, trên mức BĐ3: 0.50m.
Nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở đất ở các huyện: Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long.
Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng thấp một số địa phương các xã như: Thị trấn Chợ Chùa, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Phước, Hành Thiện, Hành Dũng (Huyện Nghĩa Hành); Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng (Huyện Tư Nghĩa); Đức Nhuận, Đức Thắng, Đức Lợi (Huyện Mộ Đức); Tịnh Minh, Tịnh An, Tịnh Long và TP. Quảng Ngãi; Phổ Văn, Phổ Minh, Phổ Khánh, Phổ Ninh, Phổ Vinh (Huyện Đức Phổ); Bình Chương, Bình Trung, Bình Thạnh, Bình Thới, Bình Nguyên, Bình Long, Bình Minh và Thị trấn Châu Ổ (Huyện Bình Sơn) với độ sâu ngập từ 1 m đến 3 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2, cấp 3.
Video: Nỗ lực tiếp tế cho người dân vùng lũ
17h40
Cá lồng chết trắng hàng loạt trong đêm, người dân điêu đứng
Sáng 6/11, nước dâng cao trên sông Bồ đoạn qua Thị Xã Hương Trà và xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm hàng trăm lồng cá bị cuốn trôi. Thiệt hại hàng trăm triệu đồng khiến người dân khóc ròng vì tài sản bị tiêu tan trong một đêm.
Ghi nhận PV dọc bên bờ sông Bồ, hơn 80 tấn cá lồng trên sông Bồ (Thôn Hạ Lan, Quảng phú, Huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đã bị cuốn phăng theo con nước. Những con còn lại thì bị nước lũ đánh tróc vẩy, chết trắng lồng.
Qua thống kế ban đầu, toàn xã Quảng Phú có hơn 285 lồng cá, chủ yếu cá trắm cỏ, diêu hồng. Hiện nay, cá lồng cá bè trên xã Quảng Phú thiệt hại nặng nề 16 lồng bè và gần 200 ô cá chết hoàn toàn.
17h
Tại Bình Định
Trao đổi với PV chiều 6/11, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho biết, hôm nay (6/11), toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh đều nghỉ học. Đến ngày mai (7/11), các trường sẽ bắt đầu đi học lại, tuy nhiên các trường ở vùng ven biển và các vùng bị chia cắt, sạt lở sẽ do trưởng phòng giáo dục và hiệu trưởng quyết định việc có cho học lại hay chưa.
“Chiều nay, cơ bản học lại được rồi nhưng một số vùng còn bị chia cắt bởi lũ, vùng núi bị sạt lở,… khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên sở giao cho trưởng phòng và hiệu trưởng quyết định dựa trên tình hình thực tế”, ông Tuấn nói.
Tại Quảng Ngãi
Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 7/11, nhiều trường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể học lại được, như toàn bộ các trường thuộc huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ,…
“Chỉ nơi nào đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh đi lại bình thường thì mới đi học lại, và do hiệu trưởng quyết định. Tinh thần là thà cho nghỉ thêm một ngày nữa còn hơn là bị mất một em”, ông Phu nói.
Tại Quảng Nam
Tại Quảng Nam, rất ít trường có thể dạy và học lại được. Các trường có thể đi học lại từ ngày mai (7/11) là trường nội trú, như trường nội trú Phước Sơn.
“Hầu hết các trường đều chưa thể đi học lại được do mưa hiện vẫn còn lớn, nước lụt cao. Theo các đơn vị báo về thì đã có một trường hợp thiệt mạng là học sinh lớp 11 Trường THPT Bắc Trà My. Em này thiệt mạng do bị sập nhà vào ngày 5/11, là học sinh lớp chọn của trường và có hoàn cảnh rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Nhân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết.
16h10
Huế: Ráo riết tìm hai cha con mất tích trong lũ
Theo thông tin mới nhất, đến trưa 6/11, do mưa kéo dài nên nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn bị cô lập hoàn toàn, đặc biệt là 2 xã Thủy Thanh và Thuỷ Vân.
UBND xã Thủy Thanh cho biết, trên địa bàn có 2 người được gia đình thông báo mất tích. Đó là ông Phan Văn Quốc (SN 1963) và chị Phan Thị Thúy (SN 1993).
Ông Quốc chở chị Thúy đi làm ở Công ty Sợi Phú Gia (thuộc Khu Công nghiệp Phú Bài) từ 9h sáng 5/11 nhưng vẫn chưa về nhà.
Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 2 cha con mất tích
Gia đình đã cố gắng liên lạc qua điện thoại nhưng cả ông Quốc và em Thúy đều bị thuê bao không liên lạc được. Các nhân viên ở nơi em Thúy làm cũng cho biết là không thấy em tới làm.
Được biết, đoạn đường từ xã Thủy Thanh dẫn tới nơi làm việc của em Thúy nhiều đoạn có nước lũ ngập sâu, vắng người nên gia đình nghi hai cha con đã bị nước lũ cuốn mất tích.
Hiện lực lượng chức năng, gia đình cũng như người dân địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm hai nạn nhân ở các đoạn sông và đoạn đường ngập lũ.
16h
Thừa Thiên Huế: Nữ sinh viên năm cuối tử vong khi tránh lũ
Trưa 6/11, tin từ ông Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết, lãnh đạo ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm và các đơn vị liên quan phối hợp với gia đình đưa thi thể của nữ sinh viên Lê Thị S. (quê ở Quảng Trị) về nhà trong sáng 6/11 để lo hậu sự.
S là sinh viên năm cuối của Trường Đại học sư phạm Huế, tối qua sau giờ đi làm về muộn, S cố trèo lên tầng 2 để tránh lũ thì không may bị tại nạn.
Theo ông Tùng, vào đêm 5/11, trước tình hình mưa lũ gây ngập, ký túc xá (KTX) Đống Đa (32 Lê Hồng Phong) đã đóng cửa sắt trước cầu thang tầng 1 theo giờ quy định. Nữ sinh Lê Thị S. đi làm thêm về muộn, tìm cách trèo lên tầng 2 của KTX thì bị ngã. Phát hiện vụ việc, ban quản lý khu KTX cùng các sinh viên đưa nạn nhân đến bệnh viện Trung ương Huế, nhưng nạn nhân đã qua đời sau đó.
Được biết, S. là sinh viên năm thứ 4, khoa Địa lý.
15h50
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm người dân vùng lũ Quảng Ngãi
Chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho nhân dân vùng lũ ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thăm người dân vùng lũ ở Quảng Ngãi
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi ca nô trực tiếp đến thăm nhân dân vùng lũ thôn Tân Phước, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn. Tính đến 15 giờ chiều này thì hơn 20 hộ dân ở đây vẫn đang bị cô lập do lũ chia cắt đường giao thông.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao 10 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho người dân vùng lũ thôn Tân Phước, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.
15h30
Nước lũ vẫn đang rút nhưng rút rất chậm ở Quảng Nam. Trong khi đó, mực nước tại sông Kôn ở Bình Định chưa có dấu hiệu ngừng dâng (hiện đang ở mức 8,4m, vượt BĐ3 0,4m).
Riêng mực nước các sông ở Quảng Ngãi đang giảm, được dự báo sẽ tăng trở lại từ tối nay do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông gây mưa to.
Nước gây ngập ở hai bên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam
15h
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện nhiều khu vực của TP vẫn còn ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 2m.
“Những khu vực nguy hiểm, ngập sâu trong lũ, chúng tôi yêu cầu bà con đến nơi an toàn. Các xã phường đã chuẩn bị lương thực, nước uống sẵn sàng cứu trợ cho người dân. Sáng nay, lực lượng địa phương đã phối hợp với Biên phòng để tiếp ứng lương thực và cứu hộ 15 người bị mắc kẹt tại ốc đảo Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim), và 4 người tại ốc đảo Nam Ngạn (phường Cẩm Nam)”, ông Hùng thông tin.
Lực lượng cứu hộ đưa người dân ở khu vực bi ngập đến nơi an toàn trong sáng nay ở TP Hội An (ảnh báo Quảng Nam)
14h30
Quảng Ngãi: Di dời 7 hộ dân tránh sạt lở núi
Ông Huỳnh Ngọc Quận, phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, địa phương đã di dời khẩn cấp 7 hộ gia đình ra khỏi nhà để tránh nguy cơ sạt lở núi Máng thuộc xã Nghĩa Phương. Trong chiều nay, các địa phương vùng lũ Quảng Ngãi sẽ cứu trợ mì tôm, nước suối cho người dân các vùng cô lập.
Mang mì tôm, nước suối cho người dân các vùng cô lập
13h30:
Tại Quảng Nam:
Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận huyện Quế Sơn đang được lực lượng chức năng phong tỏa, cấm người dân di chuyển qua đây. Chị Phương Hoài (30 tuổi) cho biết, để di chuyển từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, chị phải thuê xe ô tô 7 chỗ với giá 700.000 đồng để đi trên cao tốc. Cũng theo chị Hoài, một số người dân đã thuê xe tải để đưa cả người và xe qua đoạn đường ngập với giá 250.000 đồng.
Trao đổi với PV, ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, đoạn đường bị phong tỏa nói trên bị ngập sâu khoảng 0,5m kéo dài hơn 1km.
Người dân thuê xe tải để chở cả người và xe qua đoạn Quốc lộ bị ngập bằng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam.
“Đường ngập sâu không thể đi được. Các phương tiện muốn di chuyển từ Quảng Nam ra Đà Nẵng hoặc ngược lại thì phải đi bằng ô tô trên đường cao tốc”, ông Nghĩa nói.
13h:
Tại Quảng Ngãi
Nước lũ vẫn phong tỏa nhiều khu vực, các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Nghĩa Hành lênh láng nước. Ông Đàm Bàng, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, địa phương vẫn còn 3 xã Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Dũng với 25.000 dân bị chia cắt. Trong sáng nay, huyện Nghĩa Hành xuất cấp 1.500 thùng mì tôm và 500 thùng nước sạch để cứu hộ khẩn cấp cho 12 xã, thị trấn.
12h30:
Tại Thừa Thiên- Huế
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, mưa lũ đã khiến địa bàn tỉnh có 4 người chết, 4 người mất tích
Mưa lũ đã làm 8 người chết và mất tích ở Huế trong ngày 5/11.
Mưa lũ cũng đã làm tỉnh Thừa Thiên- Huế có 17.588 hộ bị ngập từ 0,2 đến 0,8m; trong đó thị xã Hương Trà có 2.900 nhà; Quảng Điền có 2.320 nhà; Phú Lộc có 6.747 nhà; Phú Vang hơn 3.100 nhà; Phong Điền 1.936 nhà.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành di dời 1.971 hộ dân (7.479 nhân khẩu) các vùng ngập lụt đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng và tài sản người dân.
Tại huyện Nam Đông, mưa lớn khiến đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn; huyện A Lưới có 6 điểm sạt lở trên tuyến QL49 và các đường liên thôn; sạt lở đất đã cô lập 20 người trên đèo Tà Lương vào chiều 5/11.
12h25:
Tại Bình Định
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hoài Nhơn, do mưa lớn trong những ngày qua, trên địa bàn huyện đã làm 4 người bị mất tích, gần cả ngàn nhà ngập, sập, tốc mái; 2 xã Hoài Hải và Hoài Sơn bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện An Lão, lũ từ thượng nguồn đổ về quá mạnh đã làm cầu An Liên bị gãy hoàn toàn 2 nhịp với chiều dài khoảng 20 m và xói mòn 2 mố cầu. Giao thông đi lại 2 xã vùng cao An Dũng và An Vinh hoàn toàn bị cô lập.
“UBND huyện An Lão đã phong tỏa khu vực cầu, không cho người và phương tiện qua lại và lên phương án khắc phục tạm để người dân đi lại trong thời gian sớm nhất cũng như giúp các em học sinh an toàn đến trường sau mưa lũ”, Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Tùng Lâm cho biết.
Hiện tại tuyến đường từ huyện An Lão xuống Bồng Sơn vẫn còn bị chia cắt, nhiều đoạn bị ngập sâu cả mét.
12h20:
Tại Bình Định:
Thông tin từ ông Phan Xuân Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết và 3 người mất tích vì trận lũ lịch sử này, chưa tính các thuyền viên gặp nạn do bão số 12 trước đó.
11h40:
Về nguyên nhân khiến sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa dâng lên trong khi các sông khác từ Quảng Trị đến Bình Định lại giảm, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia giải thích: “Do đêm qua và sáng nay có mưa lớn, cùng với việc xả lũ ở hồ Định Bình nên mực nước sông Kôn đang dâng, nhưng dự báo không vượt quá 0,6m so với mức BĐ3. Hiện, các hồ đang xả lũ ở mức 700m2/giây và dự kiến có thể sẽ giảm”.
Quảng Ngãi: 5 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương do lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ những ngày qua đã làm 5 người chết (trong đó, huyện Ba Tơ 1 người, huyện Sơn Tây 1 người, huyện Trà Bồng 2 người và huyện Bình Sơn 1 người), mất tích 1 người ở huyện Nghĩa Hành, bị thương 7 người.
Lũ lớn đã gây ngập nghiêm trọng tại 34 xã, thị trấn của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng đã tổ chức di dời, sơ tán 4.476 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn.Nhiều tuyến đường kể cả các tuyến quốc lộ bị ngập sâu làm ách tắc giao thông. Đặc biệt các tuyến đường ở miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Kênh mương thủy lợi bị sạt, hư hỏng 22.600 mét. Đáng chú ý là đê sông Thoa đoạn qua thôn Hải Tân xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ bị sạt lở mái đất khoảng 20m, nguy cơ sạt lở tiếp 150m, đê sông Trà Câu đoạn qua xóm 3, thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ sạt lở khoảng 300m.
11h30:
Về mực nước tại một số sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mưa đã giảm và nước cũng đang xuống nhưng hầu hết vẫn đang xoay quanh mức báo động 3 (BĐ3), riêng sông Lại Giang (Bình Định) tại Bồng Sơn dưới mức BĐ2. Đặc biệt, sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa đang lên, hiện đã đạt 8,3m (trên BĐ3 0,3m), dự báo tiếp tục dâng trong thời gian tới.
“Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, nhiều hồ chứa đã đầy nước, lưu lượng về các hồ chứa vẫn tiếp tục gia tăng, nguy cơ cao gây mất an toàn cho các hồ chứa xung yếu trên địa bàn tại các tỉnh trên”, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo.
Nước sông Lại Giang đang rút nhưng khá chậm, nhiều khu vực vẫn còn bị ngập sâu
“Hiện tại nước vẫn còn ngập trên đường, nhiều nhà dân vùng trũng vẫn còn ngập cả mét. Nước sông đang rút xuống nhưng chậm, trong khi đó mưa rất to từ sáng đến giờ nên khả năng nước sẽ lên trở lại”, một người dân ở Ân Thạnh (Hoài Ân) nói trong lo lắng.
Ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết hiện các đập tràn, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh an toàn.
“Có trường hợp công trình hồ Mỹ Đức (Hoài Ân), nước qua tràn mạnh gây lở đá xây mặt tràn nhưng nhỏ và đã được khắc phục vào chiều 5.11”, ông Hổ thông tin.
11h:
Tại Quảng Nam:
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, nước lũ trên địa bàn đã giảm 7cm so với khuya hôm qua (5/11) nhưng vẫn ở mức cao là 3,1m.
Tại Thừa Thiên-Huế
Người dân điêu đứng khi cá lồng chết hàng loạt
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12 nên từ ngày 3-8/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa rất lớn, nước trên các sông dâng cao. Nước dâng cao trên sông Bồ đoạn qua Thị Xã Hương Trà và xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm hàng trăm lồng cá bị cuốn trôi và chết sạch.
Nhiều hộ nuôi Cá trên sông Bồ điêu đứng vì hàng chục tấn cá chết trắng lồng.
Ông Lê Quang Huyễn (Quảng Phú) nuôi cá lồng xót xa cho hay: “Gia đình tôi nuôi cá trên sông này bấy lâu nhưng cũng chưa đợt lũ nặng như thế. Gần chục lồng cá của chúng tôi chết sạch trong một đêm. Bình thường mỗi kg cá có thể bán được 40.000 đến 50.000 đồng nhưng giờ vớt lên cũng chỉ bán cho người ta làm thức ăn gia súc”.
Cá chết nhiều nên người dân chỉ còn cách bán tống bán tháo với giá rẻ.
Theo tìm hiểu được biết, số cá lồng bị chết của người dân trên sông Bồ chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm, cá rô,.. Để đầu tư nuôi số cá này nhiều hộ phải vay mượn đầu tư với số tiền lớn. Hộ nuôi ít thì vài trăm triệu, hộ nuôi nhiều thì hơn tỷ đồng. Vậy nhưng việc lũ lớn về bất ngờ đã khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn có mưa, lượng mưa, nước sông đang chững lại và xuống chậm. Nhiều tuyến đường vẫn còn ngập sâu trong nước. Tại thành phố Huế các tuyến đường trọng điểm ngập sâu từ 0,2 đến 1m khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Người dân phải dùng xuồng để di chuyển trong thành phố.
10h30:
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã phát cảnh báo khẩn: Trong 6 – 12 giờ tới, tại Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục có mưa to; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp các tỉnh trên. Đặc biệt ở các huyện Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi); huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
10h12:
Tại Bình Định
Ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch huyện An Lão cho biết: “Sáng nay nước lũ có rút bớt nhưng bây giờ lại đang dâng lên nhanh. Huyện đã cử cán bộ về các thôn, xã hỗ trợ người dân”.
Trên địa bàn huyện An Lão, xã An Hòa ở cuối huyện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ lịch sử này. “Nước đang lên và bắt đầu gây ngập nặng nhiều ngôi nhà. Nơi sâu nhất có nước ngập tới 2,5m”, ông Văn Phụ Anh – Chủ tịch UBND xã An Hòa thông tin.
10h:
Tại Quảng Ngãi:
Trao đổi với PV, ông Trần Em – Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, khu vực bị nước ngập sâu nhất trong đợt lũ này trên địa bàn huyện là ở xã Phổ Minh. Đêm qua (5/11), mực nước dâng cao đã tràn bờ đê sông Trà Câu, nhưng hiện tại đã khắc phục xong và nước đang xuống.
9h:
Tại Bình Định
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh, sông Kôn (Bình Định) đang lên; sông Đắkbla (Kon Tum) đang dao động ở mức cao, các sông khác từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đang xuống.
Tới 10h, lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; tại Câu Lâu lên mức 5,2m, trên BĐ3 1,2m (tương đương mực nước lũ lịch sử năm 2007), sau xuống chậm.
Trong 12 giờ tiếp theo, lũ hạ lưu sông Kôn sẽ đạt đỉnh, sau xuống chậm; các sông khác từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có đợt xả hồ Định Bình với 750m3/s nên mực nước tại sông Kôn (Bình Định) được dự báo sẽ tăng thêm, vượt mức BĐ3 0,6m.
Mực nước tại các sông lúc 7h ngày 6/11 và dự báo từ 10h tới 22h cùng ngày. (Bôi đỏ là nơi có mực nước được dự báo sẽ tăng)
Tại Quảng Ngãi:
Đến 9 giờ sáng nay, Quốc lộ 1 vẫn đang bị tắc qua huyện Bình Sơn, phương tiện lưu thông phải đi đường vòng.
Sáng nay, nước lũ trên các sông ở Quảng Ngãi rút rất chậm. Hiện tất cả các sông ở Quảng Ngãi vẫn trên báo động 3.
Nước sông xuống rất chậm.
Dự báo trưa nay, nước lũ sẽ tiếp tục xuống nhưng chỉ có sông Trà Cau xuống mức báo động 2, các sông còn lại vẫn trên báo động 3. Hiện tại, vẫn còn hàng trăm hộ dân ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ,…bị chia cắt, cô lập do lũ.
Tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn có hàng chục hộ dân vẫn đang tá túc ở nơi tạm chưa thể về nhà do lũ ngập. Quảng Ngãi đã có 11 người chết, mất tích và bị thương do lũ.
Theo Dân Việt
CẬP NHẬT LŨ MIỀN TRUNG NGÀY 6/11: ĐÊM NAY, QUẢNG NGÃI LŨ DÂNG TRỞ LẠI, NGẬP SÂU DIỆN RỘNG
Reviewed by Unknown
on
tháng 11 06, 2017
Rating:
Không có nhận xét nào: